Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Về dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái


Về dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái
      Dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái có khoảng 55.000 người, chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 6 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, TRấn Yên và Lục Yên. Tại huyện Mù Cang Chải đồng bào Mông cư trú ở 13/14 xã thị trấn, chiếm 95% dân số của huyện, huyện Trạm Tấu10/12 xã, thị trấn, chiếm 70% dân số của huyện. Cả tỉnh có 22/40 xã hoàn toàn là người mông. Các xã còn lại đồng bào sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác.
      Địa bàn sinh sống của đồng bào đều là các xã vùng cao, có địa bàn hiểm trở, xa sôi, hẻo lánh, độ dốc cao, giao thông đi lại rất khó khăn.
        Dân tộc Mông ở Yên bái gồm ba nhóm chính là: Mông Hoa (Mông lênhl) Mông đen (Mông đuz) và Mông trắng (Mông đơưz), trong đó có Mông đen là đông hơn cả.
       Những nhóm Mông đầu tiên di cư đến Việt Nam và tỉnh Yên Bái có khoảng 300 năm: Đầu tiên đến huyện Mù Cang Chải, lập kế sinh nhai lấy tên là "Xáo Mông" sau đó mở rộng địa bàn sinh sống sang huyện Trạm Tấu, Văn Chấn…gần đây có một phần đông đồng bào Mông di chuyển từ các tỉnh Lào cai, Hà Giang và Sơn La sang sinh sống ở tỉnh Yên Bái.
       Do vùng đồng bào Mông sinh sống là: vùng cao khô hạn  về mùa đông lạnh giá kéo dài và có sương muối. Ở hai huyện phía tây của tỉnh là: Trạm Tấu và Mù Cang Chải có ảnh hưởng của gió tây khô nóng, đã ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ và năng suất cây trồng..
       Trước đây người Mông Yên Bái chỉ trồng một vụ lúa do điều kiện canh tác rất khó khăn. Mấy năm gần đây đồng bào đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cải tạo đất: Được sự đầu tư của nhà nước cho các công trình kỹ thuật, thuỷ lợi, nên số ruộng hai vụ lúa đã dần dần tăng lên (hiện nay có khoảng 30% ruộng nước hai vụ).
       Đồng bào Mông có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang treo leo trên đỉnh núi, có mảnh chỉ có một,hai đường bừa.
      Trước đây ở tỉnh Yên Bái có tập quán trồng cây thuốc phiện , là sản phẩm hàng hoá lâu đời, sản lượng thuốc phiện thu hoạch mỗi năm rất lớn, nhưng đồng thời cũng gây hậu quả xấu về con người, kinh tế-xã hội và môi trường sống, chấp hành và thực hiện quyết định 06 của Chính Phủ đồng bào Mông ở Yên Bái đã bỏ tập quán trồng, buôn bán, toàng trữ và hút thuốc phiện. Quá trình bỏ cây thuốc phiện gắn liền với chuyển đổi kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng bào Mông Yên Bái đang nỗ lực phát huy khả năng cần cù lao động cải tạo đất thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất, bước đầu cho năng xuất khá sản lượng lương thực ngày càng tăng.
     thế mạnh của vùng đồng bào Mông ở Yên Bái là: Nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây đặc sản và cây công nghiệp ngắn ngày.
     Hiện tại đồng bào Mông đã khai thác được một số sản phẩm có giá trị như: Chè tuyết, sơn tra, thảo quả, nuôi ong và chăn nuôi đại gia súc, có nhiều điển hình như: phát triển ruộng bậc thang kết hợp và bảo vệ rừng ở nhiều xã thuộc hiện Mù Cang Chải; khai hoang ruộng nước với phát triển cây chè đặc sản vùng cao như ử xã Suối Giàng, Suối Bu (huyện Văn chấn) Púng luông, Nặm Khắt ( Mù Cang Chải) xã Phình Hồ (Trạm Tấu) làm ruộng bậc thang, nương cạn với phát triển cây quế ở xã Nà hẩu, Mỏ vàng(huyện Văn Yên)…Đời sống đồng bào Mông Yên Bái đã thực sự đổi mới, từng bước ổn định và có bước phát triển.
     Người Mông có tập tục người cùng họ khi đã nhận nhau được xem như anh em ruột thịt và không được kết hôn với nhau. Ở mỗi dòng họ có những kiêng kỵ  và nghi lễ cúng bái khác nhau, ví dụ họ Giàng kiêng không ăn tim gia súc, gia cầm; họ Lý kiêng ăn lá lách.
     Người Mông Yên Bái thờ cúng tổ tiên ở gian giữa nhà;  nói thờ cúng chỉ là một miếng giấy hình chữ nhật, khổ rộng 20cm x 30cm, bàn thờ cách mặt đất khoảng 1.2m đến 1.5m; chỉ có chủ nhà mới được cúng tổ tiên và chỉ cúng vào dịp năm mới, lễ cơm mới, dịp chữa bệnh.
      Lễ tang của người Mông là tập tục gồm nhiều nghi lễ khác nhau, phản ánh các quan nịêm về lịch sử, xã hôị, cộng đồng. Người Mông ở Yên Bái có quan niệm thế giới ba tầng:
   - Tầng trên trời là thế giới của tổ tiên.
   - Tầng giữa là thế giới của con người.
   - Tầng dứơi lòng đất là địa ngục, âm phủ.
    Người Mông có vốn nghệ thuật dân gian phong phú vào Mùa xuân… Tết Mông vào tháng 12 dương lịch và tháng 11 âm lịch. Nghi lễ cưới người Mông đều có tổ chức hát dân ca, múa kèn. Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt là hát lịch sử dân tộc gọi là hát "Thản chù", hát "Gầu phềnh" trai giá hát trong khi chơi pao "Ném pao"; hát trong ống có sợi chỉ bịt màng da ếch; trong đám cưới còn hát đố, hát giải; cùng với hát còn có múa kèn độc đáo; hội "Gầu tào" múa kèn là nghi lễ mở hội, người Mông còn có các loại nhạc cụ khác như: Đàn môi, Khèn lá, Kéo nhị và thổi sáo…
      Với số lượng khá đông, cư trú ở  vị trí tương đối đặc biệt, người Mông ở Yên Bái tự hào đóng góp một phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Trong lịch sử nguồn gốc dân tộc và quá trình di dịch cư. Dân tộc Mông vốn là dân tộc có truyền thống đấu tranh chống giặc với tinh thần bất khuất, kiên  cường.
      Ngay từ những năm 1888 đội quân người Mông do Đào Chính Lục là thủ lĩnh, đã bao vây đánh giặc Pháp ở Tú lệ trên đường chúng dẫn quân vào chiếm đóng Nghĩa Lộ; nuôi dấu cán bộ cách mạng ở nhiều địa bàn khác nhau, các gia đình tiêu biểu đó là: Gia đình ông Vàng Mẻ Suế  (xã  Dế Su Phình) gia đình ông: Giàng Khua Kỷ (xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải)…
    Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp huyện Mù cang chải có 3 đội du kích: Cao phạ,Chế tạo, Lao chải, gồm 200 chiến sĩ, là căn cứ của các vùng lân cận, phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt 214 tên địch thu hơn 100 vũ khí các loại; xã Cao phạ được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Qua các cuộc kháng chiến người Mông ở Yên Bái đã kề vai sát cánh cùng các dân tộc anh em chiến đấu góp công của cho hai cuộc kháng chiến, tham gia dân công hoả tuyến, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực cho các chiến trường Đông Bắc, Tây Bắc, chiến trường Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ huyện Mù Cang Chải cử 396 người lên đường chiến đấu và đóng góp 365 tấn lương thực,chi viện cho chiến trường Miền Nam; cử 3.500 thanh niên sang nước bạn Lào chiến đấu, 27 chiến sỹ đã hy sinh, nhiều chiến sĩ đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường. Với những đóng góp của mình đồng bào Mông ở Yên Bái đã được nhà nước tặng thưởng 348 huân chương và 216 huy chương các loại.
      Sau ngày hoà bình, thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, cộng đồng người Mông ở Yên Bái lại không ngừng tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, ông Giàng A Thào (xã Sùng Đô- huyện Văn Chấn) được nhà nước tặng danh hiệu anh hùng Lao động. Người Mông với ý thức tự chủ cao, đức tin bền vững; nhờ những đức tính này, đồng bào Mông tồn tại và phát triển trong quá trình biến thiên của lịch sử và vẫn giữ được bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc qua nhiều thế hệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét